[You must be registered and logged in to see this image.]
Trường của tôi là trường làng. Ngôi trường nhỏ chỉ là một dãy nhà với ba phòng học được lợp bằng lá dừa nước, vách bằng gỗ, nền bằng đất và những chiếc bàn học cũ kỹ. Bao quanh trường là những hàng rào trồng bằng dâm bụt.
Phía sau trường có một rặng tre già, phát ra tiếng kêu kẽo kẹt và xào xạc khi có gió thổi qua. Sân trường có một cây me tây đã nhiều năm tuổi với thân cây to, cành lá xum xuê.
Đó là nơi tôi đã học từ lớp mẫu giáo đến hết lớp bốn và đó cũng là nơi lưu giữ trong tôi nhiều kỷ niệm không thể nào phai.
Chính ở ngôi trường này, tôi được học những con chữ đầu tiên bằng tấm bảng nhỏ màu xanh, bằng mớ đũa được làm bằng cành tre dùng để học đếm, bằng những cuốn tập viết giấy đen, bằng cây bút chấm mực.
Tôi nhớ cô Mười dạy tôi năm lớp một, cô Huê dạy tôi năm lớp hai, cô Dung dạy tôi năm lớp ba và cô Đào dạy tôi năm lớp bốn. Mỗi cô đều để lại cho tôi một ấn tượng riêng không lẫn vào đâu được.
Tôi có một đám bạn rất thân do học cùng lớp lại ở chung xóm. Chiều chiều đứa này hay chạy qua nhà đứa kia để cùng nhau làm bài tập. Thằng Trường học lực bình thường, được cái là hiền khô như cục đất hay bị tụi con gái ăn hiếp.
Con Diệu, mắt bị lé, người đen nhẻm, học yếu do phải phụ mẹ giữ em, nấu cơm, nhổ cỏ ruộng. Con Ngân là con nhà khá giả, xinh gái lại học giỏi…
Mỗi sáng đến trường, cả đám lại í ới gọi nhau đi học chung cho vui. Chúng tôi đến trường trên những con đường mòn ngoằn ngoèo xuyên qua những cách đồng lúa, những ruộng ớt, ruộng dưa. Con đường kéo dài từ những dãy ruộng này xuyên qua những triền dừa rợp bóng mát rồi nép mình nghiêng nghiêng bên dòng kênh xanh thẳm.
Trưa tan học chúng tôi về nhà nhanh hơn bằng cách chạy băng qua những thửa ruộng đã gặt chỉ còn gốc rạ mà chúng tôi gọi là đường tắt. Đứa này rượt đuổi đứa kia chí chóe gọi nhau giữa cánh đồng nắng gió.
Mỗi sáng đi học, tôi được mẹ phát cho năm chục đồng để ăn quà vặt. Những hôm không có tiền lẻ mẹ đưa tôi hai trăm đồng và dặn phải mang về một trăm năm mươi đồng. Thế mà lần nào cũng như lần nào, tôi ăn hết hai trăm đồng mẹ cho dù biết là thế nào về đến nhà cũng bị ăn đòn.
Nhớ làm sao những giờ xếp hàng vào lớp, chúng tôi chọc ghẹo nhau, đứa này nắm đuôi tóc đứa kia giựt mạnh rồi ngó lơ chỗ khác. Mấy đứa con gái dành đứng trước mấy đứa con trai.
Không khí ồn ào, chẳng hề có trật tự. Nhớ những lần được cô chỉ định bắt cặp với một đứa con trai trong lớp để dò bảng cửu chương. Dò thuộc rồi lại thi coi đứa nào đọc nhanh hơn.
Và tuổi thơ của tôi cũng được đong đầy kỷ niệm cũng ở chính ngôi trường này. Còn nhớ, vào những giờ ra chơi chúng tôi hay chơi những trò chơi dân gian như nhảy dây, đánh đũa, năm mười, bắt ken, u qué…
Bọn con trai thì hay chơi bắn đạn, còn bọn con gái thường chơi bún thun. Chơi bắn đạn thì ăn đạn, còn chơi bún thun thì ăn thun. Nếu có nhiều thun, bọn con gái chúng tôi thường thắt thành từng dây dài để chơi nhảy dây.
Chỉ riêng trò chơi nhảy dây đã rất nhiều kiểu. Có khi một đội hai người, cử ra một người quẳng tù xì, đội ai thua thì phải dăng dây cho đội kia nhảy.
Sợi dây thun được buộc thành vòng, mỗi đứa chọt một chân vào dây thun, đứng cách nhau một đoạn. Đội còn lại thì nhảy. Cách nhảy đơn giản là cho chân lần lượt vào giữa hai sợi dây thun.
Ban đầu, dây thun được giăng ở đầu gối, nhảy qua một lượt sẽ được kéo lên đến đùi, sau đó lên đến thắt lưng, lên nữa là đến nách rồi trở ngược xuống đầu gối trở lại. Nếu một trong hai người nhảy đạp phải sợi thun hoặc nhảy không qua sẽ thua. Khi thua sẽ phải giăng dây cho đội kia nhảy.
Có khi một đội ba người, giăng dây thành ba góc hình chữ A. Đội còn lại lần lượt nhảy đạp hai chân lên sợi dây từ bên này qua bên kia và cũng được giăng từ thấp đến cao.
Trò chơi chỉ đơn giản như vậy nhưng chúng tôi chơi hoài không biết chán và hầu như ngày nào cũng chơi trò này. Bởi thế mà khi hết giờ ra chơi mặt mũi đứa nào cũng ướt đẫm mồ hôi còn chân thì lấm lem đất cát. Đôi khi vì mải chơi mà chúng tôi còn quên cả giờ vào lớp.
Thời đó, cải lương còn rất thịnh hành. Mỗi tuần, người ta chờ đợi những ngày mà đài truyền hình chiếu cải lương để vợ chồng con cái nhà này lục đục kéo qua nhà kia xem Minh Vương, Lệ Thủy, Vũ Linh, Tài Linh…
Vì thế mà ngoài những trò chơi dân gian, bọn học trò nhỏ chúng tôi còn có trò chơi đóng cải lương. Trò này thì bọn con gái chúng tôi hay chơi hơn bọn con trai.
Cả đám kéo nhau ra bãi đất trống cạnh trường học nơi có những mô đất mấp mô cao thấp mọc đầy cỏ dại. Chúng tôi phân vai, đứa nào học giỏi thì được làm vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa, đứa nào học dở thì phải làm quân sỹ, nô tỳ.
Tôi vẫn còn nhớ những cái tên rất mắc cười mà nhà vua được quyền đặt cho nô tỳ và nghênh ngang gọi “ bắp chuối đâu, cục than đâu, ra đây trẫm bảo”.
Chúng tôi chơi trò đánh trận như trong tuồng Tiếng Trống Mê Linh. Vì có sẵn những mô đất giống như địa hình đồi núi nên chúng tôi giả bộ phục kích rồi ào ra đánh tơi bời quân địch. Mỗi khi thắng trận lại hò reo vang dậy.
Chán nhảy dây, đóng cải lương, chúng tôi còn một trò chơi cũng không kém phần thú vị. Đó là trò chơi đám giỗ, một vài nơi gọi là chơi bán đồ hàng. Chúng tôi bẻ cây lá làm thành những gian hàng nho nhỏ. Mỗi đứa bán một loại hàng hóa tùy thích.
Đứa thì bán bánh mì thịt là những những múi lục bình. Đứa thì bán bún riêu cua mà sợi bún là râu bắp. Đứa thì làm bác sỹ với thuốc là những mẫu phấn vụn hoặc những cục đá cụi nhẵn bóng. Chúng tôi lấy lá bình bát làm tiền để mua, rồi cũng bày đặt chê “sao cô bán mắc dữ vậy?” y hệt người lớn.
Rồi chúng tôi lại tổ chức đám cưới cho một đôi bạn, có khi là một trai một gái hoặc có khi là hai đứa con gái. Một đứa thì giả làm chú rể, một đứa làm cô dâu, cả bọn còn lại thì làm hai họ. Cô dâu được sơn móng tay bằng màu tím của trái mồng tơi đã chín, đầu đội vòng hoa được kết bằng hoa ti gôn.
Rồi đến mùa gió chướng, chúng tôi lấy vở cũ cắt ra làm diều để thả. Hầu như trong lớp đứa nào cũng có một con diều. Đứa thì làm diều đuôi thẳng, đứa lại làm diều đuôi rết. Đến giờ ra chơi, cả đám kéo nhau ra cánh đồng trống phía sau trường thả diều và thi xem diều của ai bay cao hơn.
Người ta bảo học trò ham chơi là thế. Chúng tôi đã lớn lên cùng những trò chơi dân gian lành mạnh và bổ ích. Mặc dù nó phản ánh sự thiếu thốn và nghèo khổ ở một giai đoạn của đất nước nhưng lại cho chúng tôi tràn ngập niềm vui với những kỷ niệm không thể nào quên.
Những ký ức hiền lành và trong trẻo này sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời. Mỗi người đều có một tuổi thơ khác nhau và tôi cảm thấy mình may mắn khi có một tuổi thơ như thế.
Trường của tôi là trường làng. Ngôi trường nhỏ chỉ là một dãy nhà với ba phòng học được lợp bằng lá dừa nước, vách bằng gỗ, nền bằng đất và những chiếc bàn học cũ kỹ. Bao quanh trường là những hàng rào trồng bằng dâm bụt.
Phía sau trường có một rặng tre già, phát ra tiếng kêu kẽo kẹt và xào xạc khi có gió thổi qua. Sân trường có một cây me tây đã nhiều năm tuổi với thân cây to, cành lá xum xuê.
Đó là nơi tôi đã học từ lớp mẫu giáo đến hết lớp bốn và đó cũng là nơi lưu giữ trong tôi nhiều kỷ niệm không thể nào phai.
Chính ở ngôi trường này, tôi được học những con chữ đầu tiên bằng tấm bảng nhỏ màu xanh, bằng mớ đũa được làm bằng cành tre dùng để học đếm, bằng những cuốn tập viết giấy đen, bằng cây bút chấm mực.
Tôi nhớ cô Mười dạy tôi năm lớp một, cô Huê dạy tôi năm lớp hai, cô Dung dạy tôi năm lớp ba và cô Đào dạy tôi năm lớp bốn. Mỗi cô đều để lại cho tôi một ấn tượng riêng không lẫn vào đâu được.
Tôi có một đám bạn rất thân do học cùng lớp lại ở chung xóm. Chiều chiều đứa này hay chạy qua nhà đứa kia để cùng nhau làm bài tập. Thằng Trường học lực bình thường, được cái là hiền khô như cục đất hay bị tụi con gái ăn hiếp.
Con Diệu, mắt bị lé, người đen nhẻm, học yếu do phải phụ mẹ giữ em, nấu cơm, nhổ cỏ ruộng. Con Ngân là con nhà khá giả, xinh gái lại học giỏi…
Mỗi sáng đến trường, cả đám lại í ới gọi nhau đi học chung cho vui. Chúng tôi đến trường trên những con đường mòn ngoằn ngoèo xuyên qua những cách đồng lúa, những ruộng ớt, ruộng dưa. Con đường kéo dài từ những dãy ruộng này xuyên qua những triền dừa rợp bóng mát rồi nép mình nghiêng nghiêng bên dòng kênh xanh thẳm.
Trưa tan học chúng tôi về nhà nhanh hơn bằng cách chạy băng qua những thửa ruộng đã gặt chỉ còn gốc rạ mà chúng tôi gọi là đường tắt. Đứa này rượt đuổi đứa kia chí chóe gọi nhau giữa cánh đồng nắng gió.
Mỗi sáng đi học, tôi được mẹ phát cho năm chục đồng để ăn quà vặt. Những hôm không có tiền lẻ mẹ đưa tôi hai trăm đồng và dặn phải mang về một trăm năm mươi đồng. Thế mà lần nào cũng như lần nào, tôi ăn hết hai trăm đồng mẹ cho dù biết là thế nào về đến nhà cũng bị ăn đòn.
Nhớ làm sao những giờ xếp hàng vào lớp, chúng tôi chọc ghẹo nhau, đứa này nắm đuôi tóc đứa kia giựt mạnh rồi ngó lơ chỗ khác. Mấy đứa con gái dành đứng trước mấy đứa con trai.
Không khí ồn ào, chẳng hề có trật tự. Nhớ những lần được cô chỉ định bắt cặp với một đứa con trai trong lớp để dò bảng cửu chương. Dò thuộc rồi lại thi coi đứa nào đọc nhanh hơn.
Và tuổi thơ của tôi cũng được đong đầy kỷ niệm cũng ở chính ngôi trường này. Còn nhớ, vào những giờ ra chơi chúng tôi hay chơi những trò chơi dân gian như nhảy dây, đánh đũa, năm mười, bắt ken, u qué…
Bọn con trai thì hay chơi bắn đạn, còn bọn con gái thường chơi bún thun. Chơi bắn đạn thì ăn đạn, còn chơi bún thun thì ăn thun. Nếu có nhiều thun, bọn con gái chúng tôi thường thắt thành từng dây dài để chơi nhảy dây.
Chỉ riêng trò chơi nhảy dây đã rất nhiều kiểu. Có khi một đội hai người, cử ra một người quẳng tù xì, đội ai thua thì phải dăng dây cho đội kia nhảy.
Sợi dây thun được buộc thành vòng, mỗi đứa chọt một chân vào dây thun, đứng cách nhau một đoạn. Đội còn lại thì nhảy. Cách nhảy đơn giản là cho chân lần lượt vào giữa hai sợi dây thun.
Ban đầu, dây thun được giăng ở đầu gối, nhảy qua một lượt sẽ được kéo lên đến đùi, sau đó lên đến thắt lưng, lên nữa là đến nách rồi trở ngược xuống đầu gối trở lại. Nếu một trong hai người nhảy đạp phải sợi thun hoặc nhảy không qua sẽ thua. Khi thua sẽ phải giăng dây cho đội kia nhảy.
Có khi một đội ba người, giăng dây thành ba góc hình chữ A. Đội còn lại lần lượt nhảy đạp hai chân lên sợi dây từ bên này qua bên kia và cũng được giăng từ thấp đến cao.
Trò chơi chỉ đơn giản như vậy nhưng chúng tôi chơi hoài không biết chán và hầu như ngày nào cũng chơi trò này. Bởi thế mà khi hết giờ ra chơi mặt mũi đứa nào cũng ướt đẫm mồ hôi còn chân thì lấm lem đất cát. Đôi khi vì mải chơi mà chúng tôi còn quên cả giờ vào lớp.
Thời đó, cải lương còn rất thịnh hành. Mỗi tuần, người ta chờ đợi những ngày mà đài truyền hình chiếu cải lương để vợ chồng con cái nhà này lục đục kéo qua nhà kia xem Minh Vương, Lệ Thủy, Vũ Linh, Tài Linh…
Vì thế mà ngoài những trò chơi dân gian, bọn học trò nhỏ chúng tôi còn có trò chơi đóng cải lương. Trò này thì bọn con gái chúng tôi hay chơi hơn bọn con trai.
Cả đám kéo nhau ra bãi đất trống cạnh trường học nơi có những mô đất mấp mô cao thấp mọc đầy cỏ dại. Chúng tôi phân vai, đứa nào học giỏi thì được làm vua, hoàng hậu, thái tử, công chúa, đứa nào học dở thì phải làm quân sỹ, nô tỳ.
Tôi vẫn còn nhớ những cái tên rất mắc cười mà nhà vua được quyền đặt cho nô tỳ và nghênh ngang gọi “ bắp chuối đâu, cục than đâu, ra đây trẫm bảo”.
Chúng tôi chơi trò đánh trận như trong tuồng Tiếng Trống Mê Linh. Vì có sẵn những mô đất giống như địa hình đồi núi nên chúng tôi giả bộ phục kích rồi ào ra đánh tơi bời quân địch. Mỗi khi thắng trận lại hò reo vang dậy.
Chán nhảy dây, đóng cải lương, chúng tôi còn một trò chơi cũng không kém phần thú vị. Đó là trò chơi đám giỗ, một vài nơi gọi là chơi bán đồ hàng. Chúng tôi bẻ cây lá làm thành những gian hàng nho nhỏ. Mỗi đứa bán một loại hàng hóa tùy thích.
Đứa thì bán bánh mì thịt là những những múi lục bình. Đứa thì bán bún riêu cua mà sợi bún là râu bắp. Đứa thì làm bác sỹ với thuốc là những mẫu phấn vụn hoặc những cục đá cụi nhẵn bóng. Chúng tôi lấy lá bình bát làm tiền để mua, rồi cũng bày đặt chê “sao cô bán mắc dữ vậy?” y hệt người lớn.
Rồi chúng tôi lại tổ chức đám cưới cho một đôi bạn, có khi là một trai một gái hoặc có khi là hai đứa con gái. Một đứa thì giả làm chú rể, một đứa làm cô dâu, cả bọn còn lại thì làm hai họ. Cô dâu được sơn móng tay bằng màu tím của trái mồng tơi đã chín, đầu đội vòng hoa được kết bằng hoa ti gôn.
Rồi đến mùa gió chướng, chúng tôi lấy vở cũ cắt ra làm diều để thả. Hầu như trong lớp đứa nào cũng có một con diều. Đứa thì làm diều đuôi thẳng, đứa lại làm diều đuôi rết. Đến giờ ra chơi, cả đám kéo nhau ra cánh đồng trống phía sau trường thả diều và thi xem diều của ai bay cao hơn.
Người ta bảo học trò ham chơi là thế. Chúng tôi đã lớn lên cùng những trò chơi dân gian lành mạnh và bổ ích. Mặc dù nó phản ánh sự thiếu thốn và nghèo khổ ở một giai đoạn của đất nước nhưng lại cho chúng tôi tràn ngập niềm vui với những kỷ niệm không thể nào quên.
Những ký ức hiền lành và trong trẻo này sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời. Mỗi người đều có một tuổi thơ khác nhau và tôi cảm thấy mình may mắn khi có một tuổi thơ như thế.